Hồ Bửu Phương, đại diện Tập đoàn Vạn Thịnh Phát lên phương án phát hành các lô trái phiếu khống, tỏ ra ăn năn, song không biết hơn 30.000 tỷ đồng “đã đi đâu, ai sử dụng”.
Ngày 20/9, phiên xét xử đại án Vạn Thịnh Phát giai đoạn hai bước sang phần xét hỏi, làm rõ sai phạm của các bị cáo trong việc thực hiện chủ trương của bà Trương Mỹ Lan, 68 tuổi, Chủ tịch tập đoàn, về việc phát hành các gói trái phiếu khống, lừa bán cho 35.824 trái chủ chiếm đoạt hơn 30.000 tỷ đồng.
Là người đầu tiên bị thẩm vấn, Hồ Bửu Phương, Phó tổng giám đốc phụ trách tài chính của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, thừa nhận cáo trạng truy tố đúng, cho biết phụ trách về tài chính, kế toán, kiểm toán, thu chi của 2 công ty cổ phần. Nhiệm vụ là sắp xếp hồ sơ tài chính thuế, kiểm toán để thực hiện phương án phát hành trái phiếu.
Theo cáo buộc, bị cáo Phương đã tham gia cuộc họp bàn về chủ trương phát hành trái phiếu với bà Lan, được giao làm đầu mối yêu cầu bộ phận kế toán các công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát chuẩn bị hồ sơ pháp lý, báo cáo tài chính và lên phương án thực hiện các giao dịch chuyển tiền chạy dòng tiền khống. Bị cáo chỉ đạo cấp dưới phối hợp với nhân viên Công ty Chứng khoán TVSI để phát hành trái phiếu. Hành vi của Phương đã giúp sức tích cực cho bà Lan và đồng phạm chiếm đoạt số tiền 27.969 tỷ đồng của 33.393 bị hại.
Bà Trương Mỹ Lan (áo xanh đậm, hàng đầu) tại tòa ngày 20/9. Ảnh: Thanh Tùng
Bị cáo Phương khai chủ trương phát hành trái phiếu là từ bà Lan, giữ vai trò đại diện cho tập đoàn cùng với sự tham gia của Võ Tấn Hoàng Văn (cựu tổng giám đốc SCB), Nguyễn Phương Hồng (phó giám đốc SCB, đã chết) và Nguyễn Tiến Thành (cựu chủ tịch, tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Tân Việt – TVSI, đã chết) thực hiện chủ trương đề ra.
Phương thừa nhận là người đưa ra các tiêu chí để đảm bảo việc phát hành trái phiếu thành công; trong đó có việc lựa chọn những công ty có thương hiệu thuộc tập đoàn như: Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông; Công ty Cổ phần Đầu tư Quang Thuận; Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển Sunny World và Công ty Setra. Việc phát hành trái phiếu đều được thông qua bằng nghị quyết của HĐQT các công ty.
Ngoài ra, bị cáo cũng là người lựa chọn các công ty mua sơ cấp, sắp xếp các đơn vị đang hoạt động, có tiền, có nhu cầu đầu tư để có báo cáo tài chính tốt hơn. “Nhưng hành vi của bị cáo chỉ dừng lại ở việc mua sơ cấp lượng trái phiếu phát hành của 3 trong 4 công ty (trừ công ty Setra), còn việc bán lại trái phiếu cho Công ty chứng khoán Tân Việt bị cáo không biết”, ông này nói.
Bị cáo Hồ Bửu Phương trong lần ra tòa sơ thẩm hồi tháng 3. Ảnh: Trung tâm Báo chí TP HCM
Cựu phó tổng giám đốc tài chính của Vạn Thịnh Phát cho biết thêm, các gói trái phiếu phát hành đều không có tài sản đảm bảo. Để thực hiện việc phát hành, bị cáo đã chỉ đạo một số người thuộc tập đoàn cách chạy dòng tiền khống để đủ đảm bảo đúng phương án phát hành. Phương thừa nhận, không có tài sản đảm bảo thì việc phát hành sẽ không thành công.
Để lách các quy định, hợp thức hóa mục đích phát hành trái phiếu là dùng tiền vốn trái phiếu đầu tư vào các dự án sinh lời, bị cáo cùng một số người đã lên phương án lập, ký kết các hợp đồng kinh tế khống (mua bán cổ phần trái phiếu, vay tiền) giữa 4 công ty phát hành với 5 công ty trái chủ sơ cấp, công ty đối tác và các cá nhân được thuê ký khống.
“Việc ký các hợp đồng hứa chuyển nhượng cổ phần giữa các công ty đối tác với cá nhân thực tế chỉ là kỹ thuật”, Phương khai, thừa nhận giúp bà Lan chiếm đoạn số tiền hơn 27.000 tỷ đồng thu về từ việc phát hành trái phiếu của 3 công ty. Tuy nhiên, bị cáo nói chỉ phụ trách khâu đảm bảo cho việc phát hành trái phiếu thành công, còn tiền bán trái phiếu “đi đâu, ai sử dụng thì không nắm, mà chỉ đoán người cao nhất là chị Lan”.
“Bị cáo thấy mình là người có trình độ, hiểu biết nhưng trong nhận thức không biết hết được mọi việc. Bị cáo không ngờ số lượng người mua lại đông như vậy. Bị cáo còn không nghĩ sẽ phát hành thành công, nếu có người mua cũng chỉ khoảng vài trăm người. Bị cáo rất ăn năn hối hận về việc mình đã gây ra”, Phương nói.
Cuối cùng, cựu phó tổng giám đốc tài chính Vạn Thịnh Phát cho rằng không được hưởng lợi gì ngoài tiền lương 230 triệu đồng mỗi tháng. “Đây là mức lương cao. Là người đi làm thuê, bị cáo chỉ nghĩ phải làm hết mọi việc theo kiến thức, chuyên môn để tương xứng với mức lương đã nhận”, ông này giải thích thêm.
Bị cáo Đặng Phương Hoài Tâm trong lần ra tòa giai đoạn một. Ảnh: Trung tâm báo chí TP HCM.
Đặng Phương Hoài Tâm (cựu phó trưởng văn phòng HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh phát) là người tiếp theo bị thẩm vấn.
Tâm bị cáo buộc trực tiếp quản lý điều hành mọi hoạt động của văn phòng, chỉ đạo Phan Chí Luân làm việc với Hồ Bửu Phương, Nguyễn Phương Anh về việc quản lý theo dõi danh sách, lập phương án hứa chuyển nhượng cổ phần làm căn cứ cho Công ty Điền Gia Cát (không có hoạt động thực tế) và 8 cá nhân được thuê ký các chứng từ nộp, rút tiền khống để hợp thức dòng tiền cho Công ty Điền Gia Cát mua sơ cấp, giúp cho Trương Mỹ Lan và đồng phạm chiếm đoạt số tiền 2.000 tỷ đồng của 2.431 bị hại.
Trả lời HĐXX, bị cáo Tâm cho rằng chỉ nhận chỉ đạo từ bà Lan, Trương Huệ Vân (cháu bà Lan) và Ngô Thanh Nhã (em dâu bà Lan) thực hiện việc thành lập một số công ty thuộc tập đoàn. Còn việc các công ty này thực tế làm gì cũng như việc ký các hợp đồng khống bị cáo không nắm rõ.
Tuy nhiên, sau nhiều lần chủ tọa hỏi “cáo trạng truy tố có oan sai không”, bà Tâm nói “không”.
Tương tự, bị cáo Phan Chí Luân, nhân viên Văn phòng HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, thừa nhận hành vi như cáo trạng. Luân khai, sau khi được Tâm giao việc liên quan đến việc thành lập các công ty “ma” đã liên lạc với Nguyễn Phương Anh (Phó tổng giám đốc phụ trách tài chính của Công ty cổ phần Tập đoàn Sài Gòn Peninsula) để thực hiện. Ban đầu, bị cáo không biết về vốn cũng như các công ty này có hoạt động hay không, về sau thấy có nhiều công ty không hoạt động.
Theo chỉ đạo của Hồ Bửu Phương, Nguyễn Phương Anh, Luân còn quản lý và theo dõi việc chuyển tiền cho các công ty, cá nhân được thuê rút tiền, chuyển tiền cho bà Trương Mỹ Lan. Bị cáo tham gia vào việc giúp sức cho bà Lan chiếm đoạt toàn bộ số tiền phát hành trái phiếu của 4 công ty là hơn 30.000 tỷ đồng.
“Bị cáo rất ăn năn, không nghĩ việc làm của mình lại gây hậu quả lớn đến vậy”, Luân nói và cho biết chỉ là người làm công ăn lương nên làm theo chỉ đạo.
Bị thẩm vấn sau đó, bị cáo Nguyễn Phương Anh cho biết đã làm việc cho Tập đoàn Vạn Thịnh Phát từ năm 2009 đến 2022, phụ trách các công ty thuộc nhóm Peninsula với khoảng hơn 600 công ty. Việc tạo lập các công ty này nhằm phục vụ mục đích của tập đoàn để đi vay, chạy dòng tiền khống.
Bị cáo đã tham gia lập các hợp đồng khống, sử dụng cá nhân được thuê ký chứng từ khống nộp, rút tiền, hoàn tất chuỗi các giao dịch chạy dòng tiền khống tạo lập trái phiếu, giúp bà Lan và đồng phạm phát hành trái phiếu của 4 công ty chiếm đoạt hơn 30.000 tỷ đồng.
Phiên tòa chiều nay tiếp tục với phần xét hỏi các bị cáo là nhân viên của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát liên quan đến hành vi lừa đảo.
Trong giai đoạn hai của vụ án, bà Trương Mỹ Lan cùng 33 đồng phạm bị cáo buộc các tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản (chiếm đoạt 30.081 tỷ đồng của hơn 35.824 bị hại); Rửa tiền (445.747 tỷ đồng); Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới (4,5 tỷ USD – tương đương 106.730 tỷ đồng).
Nguồn: Vnexpress