Các nhà khoa học Tây Ban Nha vừa phát hiện ra tác dụng đặc biệt của loại cà phê có màu nâu cánh gián khi pha.
Một nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí Nutrients cho thấy loại cà phê được rang theo kiểu giúp giữ được nhiều polyphenol nhất sẽ có tác dụng mạnh mẽ với những người đang có nhu cầu thay đổi vóc dáng.
Nhóm khoa học gia từ Hội đồng Nghiên cứu quốc gia Tây Ban Nha (CSIC), Đại học Quốc tế Isabel I de Burgos và Đại học Complutense de Madrid (Tây Ban Nha) đã tuyển dụng một nhóm tình nguyện viên 18-25 tuổi, có BMI trong khoảng 25-35, tức từ thừa cân đến béo phì.
Họ được yêu cầu uống 3 tách cà phê Arabica (một giống cà phê phổ biến ở Việt Nam và nhiều nước khác) mỗi ngày.
Tuy nhiên, một số người uống cà phê theo kiểu phổ biến, một số sẽ uống cà phê Light Roast, tức loại cà phê rang nhạt ngày càng được ưa chuộng.
Cà phê Light Roast là loại cà phê chỉ được rang ở nhiệt độ khoảng trên dưới 200 độ C, cho đến khi tiếng nổ đầu tiên xuất hiện.
Hạt cà phê loại này có màu nhạt, khi pha sẽ ra màu nâu cánh gián, nước cà phê đen tương đối trong, giữ được hương vị nguyên bản nhất bao gồm vị chua, ngọt thanh, có phảng phất hương hoa quả và ít đắng.
Trái lại, cà phê rang càng đậm thì hạt sẽ có màu sẫm hơn, khi pha ra nước cũng sẫm hơn, có khi có màu gần như đen hoàn toàn, có một chút vị khét, ít chua, đắng nhiều.
Trong các loại cà phê thì Light Roast giữ được nhiều polyphenol nhất. Và đó là chìa khóa.
Polyphenol là nhóm hợp chất hoạt tính sinh học được nhiều nghiên cứu chứng minh là có lợi cho sức khỏe nhiều mặt, bao gồm tác dụng hỗ trợ giảm mỡ, kiểm soát cân nặng.
Trong nghiên cứu mới này, thói quen uống cà phê đều đặn giúp cả 2 nhóm giảm được mỡ cơ thể, trong đó nhóm uống cà phê Light Roast giảm mỡ tốt hơn một chút.
Tuy nhiên, loại cà phê nhạt màu này lại có lợi ích rõ ràng trong việc làm gia tăng khối lượng cơ bắp, cũng là điều rất cần thiết để cải thiện sức khỏe và vóc dáng.
“Cà phê rang nhạt tạo ra những thay đổi có lợi trong mô mỡ. Hơn nữa, việc tiêu thụ vừa phải cà phê giàu polyphenol có thể làm giảm tác động có hại của chế độ ăn uống mất cân bằng” – nhóm tác giả kết luận.
Nguồn: Người Lao Động