Ở khu vực Đông Á, giới kinh tế đang xôn xao về việc Trung Quốc tung ra loạt biện pháp kích thích tăng trưởng kinh tế có quy mô lớn nhất kể từ đại dịch COVID-19 và chính phủ Thái Lan tặng tiền cho dân chúng.
Trong khi chính phủ Thái Lan đơn giản chỉ chi tiền cho dân chúng tiêu xài thì Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đưa ra nhiều chính sách tiền tệ rất mạnh mẽ như bơm lượng tiền lớn vào thị trường, giảm các loại lãi suất vốn là gánh nặng đối với sản xuất – kinh doanh, giải cứu thị trường bất động sản, tăng thanh khoản trên thị trường chứng khoán…
Con số cụ thể về quy mô của những biện pháp này đầy ấn tượng: 141,7 tỉ USD là số tiền mà Ngân hàng Trung ương Trung Quốc bơm vào thị trường tài chính và tiền tệ nước này. Trong khi đó, gần 14,5 tỉ USD là lượng tiền chính phủ Thái Lan dự định phát không cho dân chúng.
Đây đều là những biện pháp kinh điển nhằm kích cầu kinh tế. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc không giấu giếm mục tiêu của họ là thúc đẩy kinh tế sao cho ít nhất đạt được chỉ tiêu GDP tăng trưởng 5% trong năm nay.
Đối với chính phủ Thái Lan, biện pháp đúng là đơn giản và có phần đơn điệu bởi là hệ lụy không thể khác của cam kết tranh cử được Đảng Pheu Thai đưa ra cho cuộc bầu cử quốc hội gần đây nhất nhưng cũng bao hàm trong chừng mực nhất định mục tiêu vươn tới tỉ lệ tăng trưởng kinh tế cao hơn.
Theo các dự báo, kinh tế Thái Lan năm nay sẽ chỉ tăng trưởng 2,8%, thấp hơn nhiều so với đa số thành viên ASEAN.
Cùng là hiệu ứng thúc đẩy kinh tế thông qua kích cầu tiêu dùng cá nhân nhưng xuất phát điểm của chính sách Thái Lan lại là một cam kết tranh cử, biện luận hướng tới kích cầu kinh tế nhưng thực chất nhằm tranh thủ lá phiếu cử tri.
Cả về lý thuyết lẫn trong thực tiễn kinh tế thế giới, những biện pháp chính sách như chính phủ Thái Lan và Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đang triển khai đều sẽ thúc đẩy tăng trưởng.
Tuy nhiên, có 2 câu hỏi luôn được đặt ra là hiệu ứng thực tế thu về như thế nào và kéo dài được bao lâu. Cả 2 câu hỏi này đều đang bị bỏ ngỏ bởi không ai có thể trả lời chắc chắn được. Ngay đến chính phủ Thái Lan và Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cũng chỉ dừng ở chỗ kỳ vọng vào hiệu ứng tích cực thiết thực.
Hiệu ứng chính trị thì có được ngay. Đảng Pheu Thái và chính phủ Thái Lan chứng minh là đã thực hiện một trong những cam kết vận động tranh cử trọng tâm. Còn Ngân hàng Trung ương Trung Quốc thể hiện được là Bắc Kinh hành động quyết liệt và kịp thời để ngăn chặn nguy cơ giảm phát và thúc đẩy tăng trưởng.
Rủi ro đối với cả hai là chỉ như vậy thì chưa đủ xoay chuyển tình thế mà cần có ngay chiến lược cho thời kỳ sau đấy.
Nguồn: Người Lao Động