UBND TP Hồ Chí Minh chỉ đạo các đơn vị quản lý, chủ đầu tư khu công nghiệp, khu chế xuất phải tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp lắp đặt điện mặt trời mái nhà.
Ủy ban nhân dân TP Hồ Chí Minh vừa ban hành công văn số 7239 UBND-KT về triển khai thực hiện Nghị định 135 quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ.
Để đảm bảo việc triển khai điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ được lắp đặt trên mái nhà của công trình xây dựng gồm nhà ở, cơ quan công sở, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh được đầu tư, xây dựng theo đúng quy định của pháp luật, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố chỉ đạo Văn phòng UBND Thành phố phối hợp Sở Công Thương trong việc xây dựng và triển khai bộ thủ tục hành chính về cấp, điều chỉnh, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký phát triển điện mặt trời mái nhà trên cổng dịch vụ công trực tuyến của Thành phố.
Các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các quận – huyện, UBND TP Thủ Đức cần theo dõi, giám sát việc triển khai thực hiện lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà tại trụ sở của cơ quan và các đơn vị trực thuộc. Đồng thời phối hợp Sở Công Thương theo dõi, giám sát việc triển khai phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
Bên cạnh đó theo chỉ đạo của UBND TP Hồ Chí Minh, UBND các quận – huyện, thành phố Thủ Đức phối hợp với đơn vị điện lực địa phương rà soát, thống kê về quy mô, địa điểm lắp đặt đối với các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình đã lắp đặt, sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2021.
Ủy ban nhân dân các quận – huyện, UBND TP Thủ Đức phối hợp với đơn vị điện lực địa phương kiểm tra việc tuân thủ các quy định về an toàn, phòng cháy và chữa cháy, bảo vệ môi trường trong lắp đặt, vận hành điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ tại địa phương.
Trong đó, Sở Công Thương phải Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan theo dõi, giám sát việc triển khai phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ trên địa bàn Thành phố. Chủ trì tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành quy trình rút gọn việc thực hiện theo trình tự, thủ tục của pháp luật để bảo đảm thuận tiện, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân khi thực hiện đăng ký phát triển, đầu tư xây dựng, lắp đặt điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ, bao gồm mẫu văn bản của Sở Công Thương xác nhận công suất thuộc quy hoạch, kế hoạch thực hiện quy hoạch được phân bổ tại địa phương và thời gian xử lý.
Sở Công Thương có trách nhiệm tiếp nhận Thông báo phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ không đấu nối hoặc có đấu nối với hệ thống điện quốc gia. Đồng thời xác nhận bằng văn bản công suất thuộc quy hoạch, kế hoạch thực hiện quy hoạch được phân bổ tại địa phương và báo cáo Bộ Công Thương về tình hình phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ trên địa bàn trước 15 tháng 12 hằng năm.
Với Sở Xây dựng cần cập nhật các quy định, hướng dẫn của Bộ Xây dựng để hướng dẫn các cơ quan, tổ chức, cá nhân và hộ gia đình thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn xây dựng đối với các công trình xây dựng có lắp đặt điện mặt trời mái nhà và hoạt động đầu tư xây dựng công trình điện mặt trời mái nhà trên địa bàn Thành phố.
Với Tổng công ty Điện lực Thành phố TP Hồ Chí Minh cần chỉ đạo các công ty điện lực khu vực tổ chức tiếp nhận Thông báo phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ không đấu nối hoặc có đấu nối với hệ thống điện quốc gia. Trường hợp tiếp nhận Thông báo phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ có đấu nối với hệ thống điện quốc gia và có đăng ký bán điện dư vào hệ thống điện quốc gia.
Trong thời hạn 07 ngày làm việc, Tổng công ty Điện lực Thành phố – TNHH có trách nhiệm kiểm tra nếu không gây quá tải trạm biến áp, lưới điện hạ áp và phân phối tại khu vực và công suất đăng ký phát triển phù hợp phụ tải hiện có, gửi văn bản kèm hồ sơ đến Sở Công Thương để thực hiện việc xác nhận công suất thuộc quy hoạch, kế hoạch thực hiện quy hoạch được phân bổ tại địa phương. Đặc biệt Tổng công ty Điện lực Thành phố – TNHH cần tổ chức tiếp nhận hồ sơ mua bán điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ dư từ các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình; ký hợp đồng mua bán điện trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản, hồ sơ đề nghị bán điện của bên bán điện dư.
Theo đó UBND TP Hồ Chí Minh cũng chỉ đạo các đơn vị quản lý, chủ đầu tư khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao phải tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ thực hiện theo quy định của pháp luật. Phối hợp với đơn vị quản lý điện lực đánh giá các nguồn điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ có phát sản lượng điện dư vào hệ thống điện quốc gia để bảo đảm vận hành an toàn hệ thống điện.
Mặt khác cần quản lý, theo dõi, kiểm tra hoạt động phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ trong khu vực quản lý theo đúng quy định của pháp luật. Hỗ trợ, tư vấn các tổ chức, cá nhân để kiểm tra ban đầu khi đấu nối, trong quá trình lắp đặt và quá trình vận hành điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ có liên kết với hệ thống điện quốc gia.
Theo thông báo này Tổng công ty điện lực TP HCM cần theo dõi, giám sát hệ thống thiết bị chống phát ngược của tổ chức, cá nhân đấu nối với lưới điện thuộc phạm vi quản lý. Không thực hiện lắp đặt công tơ điện hai chiều cho các đối tượng thực hiện theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 8 Nghị định số 135/2024/NĐ-CP của Chính phủ.
TP Hồ Chí Minh là một trong số ít các tỉnh, thành hiện nay cho triển khai thực hiện sớm Nghị định 135/2024/ NĐ- CP đang được các doanh nghiệp sản xuất mong chờ. Qua đó, doanh nghiệp sẽ gặp thuận lợi hơn khi triển khai, như được hỗ trợ trong vấn đề tiếp nhận và hướng dẫn thực thi các thủ tục xin cấp phép phát triển, đấu nối vào lưới điện. Từ đó nếu gặp vướng mắc sẽ có các bộ phận kịp thời xử lý cho các nhà đầu tư.
Nguồn: Diễn đàn Doanh nghiệp