Đồng tình với việc cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, việc sửa đổi Luật cần giải quyết được 2 vấn đề nhức nhối…
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo được cho nhằm kịp thời thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước, bắt kịp sự vận động và chuyển biến của xã hội, khắc phục những vấn đề còn vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động quảng cáo phát triển.
Một trong những quan điểm trong xây dựng Dự án Luật là hoàn thiện cơ chế, chế tài để xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm, nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng; đảm bảo ngày càng tốt hơn quyền của tổ chức, cá nhân kinh doanh quảng cáo. Đồng thời, thực hiện nguyên tắc thống nhất quản lý Nhà nước đối với hoạt động quảng cáo; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và quản lý Nhà nước; phân cấp mạnh mẽ thẩm quyền quản lý của chính quyền địa phương; cải cách thủ tục hành chính.
Nhằm xây dựng, hoàn thiện Dự án Luật (sửa đổi), một số ý kiến cho rằng, việc sửa đổi Luật cần giải quyết được 2 vấn đề nhức nhối hiện nay.
Tham gia góp ý, đại biểu Trần Quốc Tuấn – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh nhấn mạnh, vấn đề thứ nhất cần phải giải quyết đó là Luật phải có các quy định quản lý chặt chẽ việc quảng cáo trên nền tảng số và mạng xã hội do tồn tại quá nhiều bất cập.
Bởi thực tế cho thấy, hiện nay quảng cáo trên các nền tảng số, đặc biệt là mạng xã hội và các ứng dụng trực tuyến ngày càng trở nên phổ biến, trong chiến lược tiếp thị của các doanh nghiệp và tổ chức, nhất là trong bối cảnh số hóa và sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin nhưng chưa có quy định rõ ràng và hiệu quả. Từ đó, đã xuất hiện nhiều hình thức quảng cáo xuyên biên giới, quảng cáo qua livestream, video ngắn… đã gây ra nhiều khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc kiểm soát chất lượng, bảo vệ người tiêu dùng và ngăn ngừa các hành vi quảng cáo sai sự thật, gây hiểu lầm cho người tiêu dùng.
“Những quảng cáo này thường có những cam kết không thực tế về chất lượng sản phẩm hoặc dịch vụ, phóng đại quá mức hoặc không minh bạch về thông tin, dẫn đến mất niềm tin vào thị trường và các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh chân chính. Do đó, Luật Quảng cáo sửa đổi cần có các quy định chặt chẽ hơn về việc kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi quảng cáo sai sự thật, yêu cầu các đơn vị quảng cáo phải minh bạch, cung cấp thông tin rõ ràng, đáng tin cậy để không đánh tráo khái niệm về thông tin sản phẩm, gây ảnh hưởng đến sức khoẻ người tiêu dùng”, đại biểu Trần Quốc Tuấn góp ý.
Đồng thời cho rằng, vấn đề thứ hai là Luật Quảng cáo lần này phải có “sứ mệnh” “dẹp loạn” những quảng cáo nhếch nhác ngoài trời, gây phản cảm, làm xấu hình ảnh mỹ quan đô thị. Những hoạt động quảng cáo trái phép này cần phải được xử lý nghiêm để trả lại hình ảnh, nét đẹp của đô thị.
Theo đại biểu, việc “dẹp loạn” các quảng cáo ngoài trời là một vấn đề rất quan trọng trong việc quản lý và điều chỉnh các hoạt động quảng cáo, đặc biệt là trong bối cảnh ngày nay, khi các quảng cáo ngoài trời xuất hiện ở mọi nơi.
“Để giải quyết vấn đề này, các quy định pháp lý cần được cập nhật và áp dụng nghiêm ngặt, quy định chặt chẽ đối với việc cấp phép quảng cáo ngoài trời. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm, thậm chí bằng hình thức phạt nguội đối với các hành vi vi phạm quảng cáo trái phép thông qua hệ thống camera giám sát”, vị đại biểu này nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, bày tỏ quan ngại về chất lượng sản phẩm quảng cáo trên nền tảng số không chất lượng hiệu quả, nhất là việc sử dụng hình ảnh, lời nói của người nổi tiếng để quảng cáo nhưng sản phẩm quảng cáo kém chất lượng, đại biểu Đỗ Văn Yên – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng đề nghị cần quy định cụ thể để kiểm soát vấn đề này và có chế tài xử lý cụ thể.
Cùng với các nội dung đã nêu, một số ý kiến cũng đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu có chế tài xử lý với mức tăng nặng hơn các trường hợp khác đối với các hoạt động quảng cáo thuốc sai sự thật có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng, cũng như những hành vi vi phạm về quảng cáo thuốc trên các kênh truyền thông, nền tảng mạng xã hội khác, vì thuốc là sản phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của người dân.
Được biết, theo Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, tại phiên họp chiều mai 25/11, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo.
Nguồn: Diễn đàn Doanh nghiệp