Với kinh nghiệm tích lũy từ hơn 30 năm hoạt động trong ngành cơ khí luyện kim, cùng với lòng say mê tìm tòi sáng tạo. Ông Huỳnh Tấn Kiệt – công dân TPHCM đã cho trình làng một sản phẩm đắc dụng đáp ứng tiêu chí 2 trong một: Vừa tận dụng hiệu quả nguồn nguyên liệu chất thải gây ô nhiễm môi
trường, vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn rất nhiều lần so với các bếp đốt nguyên liệu truyền thống: than củi, gas, điện…
Ông Huỳnh Tấn Kiệt
Chính vì lẽ vậy ngay từ khi báo cáo ý tưởng với Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp – Trường Đại học bách khoa TP HCM, sản phẩm đã được tài trợ và được đánh giá cao trong cuộc thi Sáng tạo Khởi nghiệp do Sở Khoa học công nghệ TP HCM đăng cai tổ chức, và cũng đã tạo được ấn tượng tốt trong cuộc hội thảo “ Hành Trình Khởi nghiệp của nhà khoa học” được tổ chức vào trung tuần tháng 7 năm 2017 tại TPHCM.
Quan sát thực nghiệm, chúng tôi thực sự ấn tượng với tính hiệu quả rõ nét: Ngọn lửa xuất phát từ đầu đốt ( Béc đốt tăng áp) tương tự ngọn lửa hàn gió đá có chiều dài từ 0,6m – 1,00m tỏa nhiệt lương rất cao và đặc biệt là hầu như không có khói lan tỏa…
Tiếc thay! Có nhiều trắc trở trên đường vận hành đi vào cuộc sống của sản phẩm hữu dụng này: Đầu tiên là ảnh hưởng của đại dịch covid 2019 – 2020, rồi nhà sáng chế bị tai biến thập tử nhất sinh, có lẽ chính niềm đam mê ngọn lửa cao áp đã thúc đẩy ngọn lửa trái tim giúp ông vượt qua số phận với những bước chân di chuyển xiêu vẹo nhiều khó khăn, để rồi đến đầu năm 2023 mới khởi động sản xuất trở lại, hiện đã có khá nhiều khách hàng quan tâm đến sản phẩm và nhà sáng chế cũng đẩy mạnh SX dù bệnh tật khiến khả năng vận động và di chuyển khá khó khăn
TÂM TƯ NHÀ SÁNG CHẾ
Kỹ sư “chân đất” Huỳnh tấn Kiệt, tâm sự: “ Tôi tốt nghiệp Tú tài 2 kỹ thuật toán trường kỹ thuật Cao Thắng vào năm 1973, và đang là sinh viên năm 2 khoa toán trường Đại học Vạn Hạnh năm 1975, ngày thống nhất đất nước dù không có điều kiện tiếp tục học hành, nhưng niềm đam mê sáng tạo cống hiến luôn thôi thúc trong tôi…
Hàng ngày theo dõi tin tức trên các phương tiện thông tin đại chúng,tôi thực sự quan tâm đến những tác nhân gây ô nhiễm môi trường trầm trọng trong đó phải kể đến tác hại rất lớn hủy hoại môi trường từ những nguyên liệu dầu nhớt thải bỏ do: việc tái chế đòi hỏi kinh phí lớn, nên thường bị đem chôn lấp đỏ bỏ lén lút, và không loại trừ bị tái sử dụng để sản xuất dầu nhớt giả kém chất lượng… Xuất phát điểm tạo ra một sản phẩm hữu dụng, tận dụng nguồn nguyên liệu thừa thãi thặng dư dễ thu gom này giản đơn như thế đấy. May thay do đáp ứng nhu cầu thị trường rất cần những lò nung, sấy nhiệt lượng cao,lại không phát tán khói và khí thải…góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, chúng tôi đã nhận được sự hỗ trợ song hành từ trường Đại học bách khoa TP HCM…”
NGUYÊN LÝ CẤU TẠO
Đầu đốt ( Béc tăng áp) hoạt động trên nguyên lý: Dầu thải và không khí được hòa trộn thông qua trái khế phân phối ở dạng phun sương, cho ra ngọn lửa hoàn hảo đốt trọn vẹn, hạn chế thậm chí không phát tán khói, khí thải…Và chiều dài ngọn lửa đốt hoàn toàn có thể điều chỉnh qua việc tăng giảm lưu lượng gió, dầu cung cấp…
Sau đó ngọn lửa được dẫn vào buồng đốt kín, thỏa mãn nguyên tắc động cơ đốt trong, sẵn sàng cung cấp nhiệt lượng cho các phương tiện nấu: nồi hơi nước, chảo nấu nhôm, buồng đốt rác, nồi nung sấy…
PHẠM VI ỨNG DỤNG
Theo ông Tấn Kiệt: “ Với sự giúp sức của Trường Đại học Bách Khoa, chúng tôi đã thực nghiệm với một số công trình ở một số địa phương: Nồi hơi nước, lò nấu nhôm, lò sấy nấm…cho kết quả rất tốt, rất ổn định cho năng suất cao và đặc biệt do nhiệt lượng đốt cao, trong lò kín…nên hầu như không phát tán khí thải độc hại gây ô nhiễm môi trường…
Với nguồn nguyên liệu dầu nhớt phế thải thặng dư từ: Dầu thải từ các máy biến thế “ nhà đèn”, từ nhớt thải của động cơ xe máy…rất dễ dàng thu gom trên thị trường với giá thành thấp, chắc chắc sẽ mang lại hiệu quả kinh tế gấp nhiều lần so với chất đốt truyền thống: Than đá, củi, gas, điện…
Từ những kết quả rất đáng khích lệ qua thử nghiệm thực tế, chúng tôi tin tưởng sản phẩm sẽ góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cho thị trường tiêu dùng, đặc biệt ở các môi trường đặc thù: Bệnh viện ( hơi nước, rác thải y tế), các doanh nghiệp có lò nung sấy, các doanh nghiệp sử lý rác thải.
Cùng với sự trợ giúp của Đại học Bách Khoa, chúng tôi đang chuẩn bị tích cực cho dự án phát triển làng nghề nấu nhôm ở khu vực công nghiệp tập trung, không chỉ tăng năng suất, hạ giá thành, giảm thiểu tối đa ô nhiễm môi trường mà còn nhìn đến giải pháp tận thu tro, xỉ để sàng lọc chế tạo sản phẩm gạch block…”
Ý KIẾN PHẢN HỒI
Nhận định về tính khả thi của sản phẩm, Th.S quản lý văn hóa Dương Xuân Liêm, chia sẻ: “ Trong bối cảnh Nhà nước đang khuyến khích phát triển các dự án sáng tạo khởi nghiệp và từ hiệu quả rõ nét của sản phẩm: cung cấp nguồn nhiệt lượng đốt giá thành thấp lại góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, chúng tôi cho rằng cần tạo điều kiện tốt nhất để sản phẩm nhanh chóng tiếp cận thị trường đi vào cuộc sống…”
Theo số liệu cùa Hiệp hội các nhà SX xe máy tại Việt Nam (VAMM): Hơn 2,65 triệu chiếc xe máy bán ra tại VN trong năm 2024 tăng 5.4% so với năm 2023 trong đó thương hiệu Honda chiếm 80% thị phần.
Số lương 2.653. 607 xe máy bán ra trên thị trường VN tuơng đương cứ mỗi phút có 5 xe máy đến tay người tiêu dùng VN. Theo tổng kết đến cuối năm 2023 TPHCM có hơn 7,6 triệu xe máy, 700 nghìn ôtô và hơn 2triệu xe của người dân từ khu vực khác đi vào TP, có thể nhận thấy số lượng dầu nhớt thải gây ô nhiễm môi trường do chưa có giải pháp xử lý bền vững to lớn dường nào!!!Và sáng kiến tận dụng nguồn dầu nhớt thải để trở thành chất đốt vừa tiết kiệm vừa góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường của “ Kỹ sư chân đất” Huỳnh Tấn Kiệt rất xứng đáng được khích lệ.
PHƯƠNG ĐÌNH NGUYỄN