Doanh nghiệp niêm yết vi phạm quy định công bố thông tin khiến cổ phiếu bị phạt, thậm chí bị buộc phải rời khỏi sàn chứng khoán.
Vài ngày sau khi cổ phiếu ITA của Công ty CP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo bị đình chỉ giao dịch vì công ty vi phạm nghĩa vụ công bố thông tin, trên các diễn đàn, nhiều nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu này tỏ ra vô cùng lo lắng. Bởi lẽ, hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỉ đồng của họ gần như “đóng băng” vì cổ phiếu không thể mua bán được, trong khi đây hoàn toàn không phải do lỗi của nhà đầu tư.
Nhà đầu tư “mắc kẹt”
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, thời gian gần đây, rất nhiều cổ phiếu của các doanh nghiệp (DN) tên tuổi một thời bị đình chỉ giao dịch, thậm chí hủy niêm yết vì vi phạm các quy định.
Chẳng hạn, cổ phiếu HNG của Công ty CP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai, HBC của Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình bị hủy niêm yết bắt buộc. Các mã cổ phiếu khác như TNA của Công ty CP Thương mại Xuất nhập khẩu Thiên Nam, LEC của Công ty Bất động sản Điện lực Miền Trung và DRH của Công ty CP DRH Holdings bị chuyển từ diện hạn chế giao dịch sang đình chỉ giao dịch…
Theo Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE), các cổ phiếu bị hủy niêm yết bắt buộc phần lớn do DN bị lỗ 3 năm liên tiếp. Trong khi đó, các cổ phiếu bị đình chỉ giao dịch chủ yếu do DN liên tục vi phạm nghĩa vụ công bố thông tin theo quy định. Điều đáng nói, trước khi nhận án phạt, các mã giao dịch này đều thu hút rất nhiều nhà đầu tư mua bán.
Điển hình, ITA từng là cổ phiếu đình đám một thời, giá có những đợt sóng tăng giảm rất mạnh. Giai đoạn 2020-2022, ITA tăng vọt từ vùng giá 2.000 đồng lên gần 20.000 đồng rồi đảo chiều lao dốc. Gần đây, khi có thông tin ITA bị đình chỉ giao dịch, nhà đầu tư đua nhau bán tháo, cổ phiếu này lao dốc nhiều phiên liên tục trước khi ngừng giao dịch vào ngày 26-9 tại mức giá 2.350 đồng/cổ phiếu. Đến nay, vẫn còn rất nhiều nhà đầu tư đau đầu với cổ phiếu này vì chưa biết khi nào mới được mua bán.
Nhiều nhà đầu tư “mắc kẹt” với cổ phiếu bị đình chỉ giao dịch hoặc hủy niêm yết chỉ còn biết than trời vì mua nhầm “cổ phiếu rác”. Một số người đăng tin rao bán cổ phiếu trên các diễn đàn với giá siêu rẻ, hy vọng thu hồi được một phần vốn. “Vài cổ đông muốn nhượng lại cổ phiếu H. với số lượng 260.000, cổ giá 800 triệu đồng; 380.000 cổ giá 1,7 tỉ đồng…” là những lời rao trong vô vọng của các nhà đầu tư trên một số diễn đàn.
Trên sàn chứng khoán hiện có rất nhiều cổ phiếu thuộc diện bị cảnh báo, kiểm soát, thậm chí ngấp nghé án phạt đình chỉ giao dịch hoặc hủy niêm yết. Điểm chung của các mã này là giá xuống mức rất thấp, dưới 5.000 đồng. Thậm chí, có cổ phiếu không bằng giá một ly trà đá vỉa hè do tình hình kinh doanh của DN khá tệ, nợ nần rất lớn.
Anh Hoàng Thanh (ngụ TP HCM), một nhà đầu tư vừa quyết định cắt lỗ hơn 20.000 cổ phiếu TTF của Công ty CP Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành, cho biết: “Tôi mua mã này từ đầu năm 2022 lúc giá 11.000 đồng. Khi giá cổ phiếu này lên đỉnh 17.000 đồng vào tháng 4-2022, thấy nhiều dự báo giá có thể vượt 20.000 đồng, DN đang trong giai đoạn tái cơ cấu quyết liệt nên tôi chưa vội bán. Sau đó, TTF bất ngờ lao dốc. Vẫn tin DN có thể hồi phục, tôi mua thêm cổ phiếu một vài lần để trung bình giá. Tuy vậy, giá cổ phiếu này vẫn không ngừng rớt và hiện chỉ còn 3.400 đồng”.
Theo anh Thanh, gần đây, HoSE liên tục nhắc nhở DN vì chậm công bố báo cáo tài chính bán niên 2024, chậm công bố thông tin giải trình chênh lệch lợi nhuận sau thuế trên báo cáo tài chính soát xét bán niên 2024, giữ nguyên tình trạng cảnh báo vì DN lỗ lũy kế hơn 3.200 tỉ đồng… “Lo ngại cổ phiếu TTF bị hủy niêm yết nên tôi quyết định cắt lỗ tới 70%” – anh rầu rĩ.
Tỉnh táo khi chọn cổ phiếu
Liên quan việc cổ phiếu bị phạt, nhà đầu tư vạ lây, ông Trương Hiền Phương, Giám đốc Cấp cao Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam, cho rằng khi hoạt động sản xuất – kinh doanh và niêm yết trên sàn chứng khoán, không DN nào muốn cổ phiếu của mình rơi vào tình huống bị đình chỉ, hạn chế giao dịch hoặc hủy niêm yết bắt buộc.
“DN sản xuất – kinh doanh không hiệu quả, thua lỗ bởi rất nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan. Với DN không công bố thông tin đầy đủ, không báo cáo tài chính đúng hạn… sẽ bị cơ quan quản lý, nhà đầu tư đặt dấu hỏi về tính minh bạch của ban lãnh đạo. Khi đó, nhà đầu tư cần cân nhắc bán cổ phiếu để tránh rủi ro. Bởi lẽ, việc công bố báo cáo tài chính hằng quý, hằng năm rất quan trọng, phản ánh khả năng hoạt động liên tục của DN. Điều này cũng lý giải vì sao cơ quan quản lý thường xuyên cảnh báo, nhắc nhở các đơn vị chậm công bố thông tin” – ông Phương phân tích.
Chuyên gia tài chính cá nhân Lê Xuân Huy cho biết trước khi cổ phiếu của DN bị hạn chế và đình chỉ giao dịch, các sở giao dịch chứng khoán thường cảnh báo với nhà đầu tư. Do vậy, nhà đầu tư cần thận trọng với những cổ phiếu bị cảnh báo; cũng cần lưu ý một vài công ty chưa thuê được đơn vị kiểm toán mới, xin gia hạn nộp báo cáo với các lý do khác nhau.
“Hạn chế và đình chỉ giao dịch cổ phiếu là những chế tài cần thiết của cơ quan quản lý khi xử lý DN niêm yết vi phạm. Nhà đầu tư cần xem xét để tránh những cổ phiếu như vậy trong quá trình đầu tư. Không chỉ cổ phiếu của DN nhỏ, có mệnh giá thấp mà cả những cổ phiếu lớn cũng có thể rơi vào tình huống này nếu quá trình hoạt động của DN phát sinh rủi ro. Nhà đầu tư cần sáng suốt để bán ra kịp thời, thay vì “ôm” đến khi cổ phiếu bị đình chỉ, hủy niêm yết bắt buộc” – ông Huy nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia, chứng khoán là một kênh đầu tư có mức sinh lời tốt và ngày càng phổ biến. Tuy nhiên, trước khi chọn mua cổ phiếu, nhà đầu tư nên tìm hiểu kỹ về DN.
“Cần tìm hiểu về chiến lược đầu tư, kết quả sản xuất – kinh doanh; sâu hơn là phân tích báo cáo tài chính, báo cáo kết quả kinh doanh, báo cáo lưu chuyển tiền tệ…, xem dòng tiền của DN có ổn định không, kết quả sản xuất – kinh doanh có tốt không, ban lãnh đạo hoặc DN có từng vi phạm công bố thông tin gì hay không…” – ông Trương Hiền Phương khuyến cáo.
Chìa khóa xây dựng niềm tin
Ông Nguyễn Thành Long, Tổng Giám đốc Công ty Quản lý quỹ HD (HDCapital), cho biết cách đây hơn 10 năm, chưa đầy 10% DN niêm yết đạt chuẩn về công bố thông tin. Đến năm 2018-2019, tỉ lệ này đã tăng lên 40% và hiện chạm mức 60%.
Theo ông Long, có sự chuyển mình đáng ngạc nhiên của hoạt động quan hệ nhà đầu tư (IR), song vẫn tồn tại sự phân hóa rõ rệt về mức độ thực hiện IR giữa các DN lớn và nhỏ. Ở DN nhỏ, bộ phận IR thường được giao cho phòng kế toán và tài chính kiêm nhiệm, không thể chuyên nghiệp bằng một đội ngũ được đào tạo bài bản. Đáng chú ý, các công ty trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm thường có hoạt động IR tốt hơn so với một số lĩnh vực khác như bất động sản hay xây dựng…
“Hoạt động IR hiệu quả đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng và duy trì niềm tin với các nhà đầu tư tổ chức, từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến quyết định đầu tư của họ. Minh bạch, chính xác, công bằng là chìa khóa để xây dựng niềm tin với nhà đầu tư trong dài hạn, cũng như sự công bằng trong việc đối xử với cổ đông” – ông Long nhìn nhận.
Nguồn: Người Lao Động