Nhiều doanh nghiệp đã chủ động tính toán mở rộng sản xuất, liên kết đầu tư để đón đầu cơ hội, vẫn còn không ít “khoảng lặng” chờ đợi chính sách, hạ tầng và thủ tục được tháo gỡ đồng bộ sau khi TP.HCM sáp nhập tỉnh Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu.

Sẵn sàng vốn nhưng vẫn thận trọng
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, nhiều doanh nghiệp cho biết họ nhìn thấy tiềm năng phát triển rất lớn khi vùng công nghiệp trọng điểm phía Nam được quản lý thống nhất, tạo điều kiện chia sẻ hạ tầng, logistics, quỹ đất và chính sách ưu đãi đồng bộ.
Bà Lê Hải Liễu – chủ tịch HĐQT Công ty Gỗ Đức Thành, chia sẻ doanh nghiệp đã sớm tái cấu trúc sản xuất để giảm chi phí, tăng hiệu quả.
“Chúng tôi từng có nhà máy ở quận Gò Vấp (TP.HCM) và Đồng Nai, nhưng sau cùng dồn về một nhà máy lớn tại Bình Dương. Ngoài tiết kiệm chi phí vận hành, còn có thêm nguồn thu từ cho thuê nhà xưởng cũ” – bà nói.
Theo bà, quyết định chọn Bình Dương không chỉ vì giá đất cạnh tranh mà còn nhờ hạ tầng giao thông và logistics kết nối thuận tiện với TP.HCM và các cảng biển xuất khẩu.
Hiện công ty đã thuê thêm khu đất 16ha ở Bình Dương để tính phương án mở rộng sản xuất và xây dựng nhà xưởng cho thuê, nhắm vào nhu cầu tăng mạnh từ các doanh nghiệp nước ngoài.
Tuy nhiên, bà Liễu cũng thẳng thắn chỉ ra điểm nghẽn thủ tục hải quan còn chậm khiến đơn hàng bị trễ tiến độ. Nếu cải thiện được khâu này sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam cạnh tranh tốt hơn trên thị trường quốc tế.
Ở ngành cơ khí được coi là “xương sống” công nghiệp, các doanh nghiệp vẫn thận trọng hơn. Ông Đỗ Phước Tống – chủ tịch HĐQT Công ty Cơ khí Duy Khanh – cho biết các đơn hàng, liên kết giữa TP.HCM và Bình Dương vẫn ổn định nhưng chưa đủ động lực để mở rộng ngay.
“Việc mở rộng sản xuất cần thêm thời gian tính toán. Để công nghiệp cất cánh thật sự, cần chuẩn bị dài hơi về hạ tầng, chuỗi cung ứng, chính sách thu hút và nhân lực tay nghề cao” – ông Tống chia sẻ.

Trong khi doanh nghiệp sản xuất còn “nghe ngóng”, hạ tầng công nghiệp ở Bình Dương đang chủ động đón đầu nhu cầu. Thaco của tỉ phú Trần Bá Dương được đã chấp thuận chủ trương đầu tư khu công nghiệp Bắc Tân Uyên 1 gần 786ha.
Dự án tổng vốn hơn 75.000 tỉ đồng được định hướng phát triển công nghiệp cơ khí, công nghiệp hỗ trợ, thiết bị linh kiện, công nghệ cao và công nghiệp xanh. Theo kế hoạch, sẽ khởi công vào tháng 8-2025 và vận hành giai đoạn đầu từ tháng 9-2026, tạo hơn 30.000 việc làm, trong đó khoảng 10.000 người có trình độ đại học trở lên.
Chủ đầu tư còn quy hoạch đồng bộ ba khu nhà ở cho công nhân, ký túc xá, nhà ở đô thị và nhà ở xã hội, tổng cộng hơn 19.000 chỗ ở.
Đây được xem là “tổ hợp công nghiệp đô thị” mới tại Bình Dương, nối dài kinh nghiệm của Thaco từ khu phức hợp công nghiệp, đô thị hàng nghìn ha tại Chu Lai (Quảng Nam) nay là Đà Nẵng.

TPHCM muốn định vị lại không gian công nghiệp
Theo bà Nguyễn Thị Kim Ngọc – phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM, hiện thành phố có gần 1.000 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, phần lớn là nhỏ và vừa nhưng nhu cầu tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu rất lớn.
Trong một hội thảo chuyên đề về xu hướng chuỗi cung ứng, nhiều tập đoàn đa quốc gia như Samsung, Bosch Việt Nam, ITO Việt Nam đã chia sẻ nhu cầu phát triển nhà cung cấp nội địa, tìm kiếm đối tác Việt Nam trong các ngành cơ khí chế tạo, vi mạch bán dẫn, công nghiệp y tế và giao thông.
Để thu hút các doanh nghiệp FDI, theo các chuyên gia kinh tế cần thực hóa không gian công nghiệp liên kết vùng. Hiện, TP.HCM đang đẩy nhanh hợp nhất quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất của thành phố với Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu.
Tại cuộc họp với các khu công nghiệp mới đây, ông Nguyễn Lộc Hà – phó chủ tịch UBND TP.HCM cho biết thành phố đã hoàn tất hồ sơ, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định thành lập Ban Quản lý các KCX, KCN TP.HCM (mới) trên cơ sở hợp nhất các ban quản lý hiện tại.
Việc hợp nhất nhằm mở rộng địa bàn quản lý, tạo đầu mối thống nhất giải quyết thủ tục hành chính, đảm bảo phục vụ doanh nghiệp liên tục, thông suốt.
Ban Quản lý TP.HCM cũng đã phối hợp với các địa phương thống nhất phương án tiếp nhận hồ sơ, đồng thời liên hệ cơ quan chức năng điều chỉnh thông tin, cấp tài khoản xử lý thủ tục trên cổng dịch vụ công.
Kỳ vọng một động lực công nghiệp vùng
Theo các chuyên gia, việc hợp nhất quản lý và mở rộng địa bàn công nghiệp không chỉ là động tác hành chính mà là bước đi chiến lược để giảm chi phí logistics, chia sẻ hạ tầng, thu hút đầu tư chất lượng cao và phát triển công nghiệp giá trị gia tăng.
“Bình Dương là thủ phủ khu công nghiệp nhưng muốn vươn lên công nghệ cao phải gắn với trung tâm nghiên cứu, đổi mới sáng tạo của TP.HCM, kết nối cảng biển và logistics.
Bà Rịa – Vũng Tàu cũng sẽ được tiếp sức khi khu thương mại tự do gắn liền với trung tâm tài chính quốc tế TP.HCM đó là sự cộng hưởng để tạo một động lực phát triển mới cho toàn vùng” – một chuyên gia phân tích.
TP.HCM hướng đến xác lập động lực tăng trưởng mới, thực hiện mục tiêu phát triển toàn diện cho một siêu đô thị khoảng 14 triệu dân.
Trong 6 tháng đầu năm 2025, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) TP.HCM ước tăng 8,4% so với cùng kỳ.
Kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 56,5 tỉ USD, tăng 13,3%, trong đó xuất khẩu đạt 31,6 tỉ USD.