Nạn “chặt chém”, chèo kéo khách du lịch để bán hàng rong cần xử lý triệt để, tránh làm ảnh hưởng hình ảnh điểm đến TP HCM khi mùa cao điểm đón khách quốc tế đã cận kề
Từ vụ streamer, YouTuber nổi tiếng IShowSpeed bị “chặt chém” ngay trên phố đi bộ Nguyễn Huệ, quận 1, TP HCM trong lúc livestream, nhiều chuyên gia nhận định ngành du lịch cần có giải pháp mạnh để ngăn tình trạng bán hàng rong chèo kéo, làm giá với du khách.
Xấu xí hình ảnh điểm đến
Ngày 19-9, theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Ðộng, ở khu vực trung tâm TP HCM và trước một số khách sạn 5 sao, tình trạng người bán hàng rong bám theo mời chào khách du lịch, nhất là các đoàn khách quốc tế, diễn ra khá phổ biến.
Gần 1 tuần trước, mạng xã hội lan truyền clip về việc YouTuber nổi tiếng IShowSpeed thăm trung tâm TP HCM nhưng phải thuê ván trượt cân bằng với giá 1 triệu đồng. Ðáng chú ý, buổi livestream trên kênh YouTube IShowSpeed thu hút hàng triệu lượt xem với hơn 4.100 bình luận. Trong đó, có cả bình luận về việc cảm thấy xấu hổ với hình ảnh khách quốc tế bị “chặt chém” ở ngay trung tâm thành phố.
Ông Nguyễn Ngọc An, Phó Tổng Giám đốc Công ty Lữ hành Vietluxtour, cho biết gần công ty ông có một số tuyến đường với nhiều khách sạn đón khách du lịch. Mỗi buổi sáng, khi ô tô tới đón du khách đi tham quan, không ít người bán hàng rong chờ sẵn để mời chào.
“Chất lượng của sản phẩm thì chưa bàn nhưng nhiều du khách cảm thấy bị làm phiền. Ngay ở khu vực trung tâm thành phố cũng có một số người bán dừa tươi, bán hàng rong mời khách từ nhiều năm nay mà giá cả thì không kiểm soát được” – ông An băn khoăn.
Theo ông Nguyễn Trần Hoàng Phương, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Du lịch và Xã hội, tình trạng “chặt chém” khách du lịch vẫn xảy ra ở một số nước như Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc… Tuy nhiên, cách xử lý của ngành du lịch ở những điểm đến này rất khác. Ðơn cử tại Thái Lan, chỉ cần phát hiện chỗ nào đó có tình trạng “chặt chém”, làm giá với du khách, cả cộng đồng làm du lịch sẽ tẩy chay; nhà hàng, quán ăn hoặc thậm chí cả người bán hàng rong sẽ “không còn cơ hội để tái phạm”.
“Chúng ta xử lý chủ yếu theo sự vụ, khi có sự việc xảy ra thì mời cá nhân vi phạm lên xử lý hành chính hoặc nhắc nhở, rồi mọi việc lại đâu vào đó. Ðể bảo vệ hình ảnh và thương hiệu của du lịch Việt Nam trước những hành vi xấu xí như làm giá, “chặt chém”, cần sự vào cuộc của mọi người” – ông Phương phân tích.
Tăng cường kiểm tra, mạnh tay xử lý
Ông Phạm Quý Huy, Giám đốc Công ty Kiwi Travel, cho biết ông từng dẫn đoàn khách du lịch và thường khuyến cáo khách cẩn thận, để ý tư trang khi ra đường, tránh phiền toái với những người bán hàng rong… Mục đích mà công ty du lịch khuyến cáo là nếu xảy ra trường hợp bị “chặt chém”, chèo kéo hoặc gặp sự cố thì khách sẽ biết cách xử lý. Tuy nhiên, mặt trái của việc này là tạo hình ảnh xấu xí về điểm đến trong mắt du khách.
“Vụ việc streamer nổi tiếng bị “chặt chém” ở phố đi bộ Nguyễn Huệ xảy ra lúc anh ta đang livestream với cả triệu người theo dõi. Nhưng lúc anh ta nhận lời xin lỗi của những người “chặt chém” thì lại ít người biết. Do đó, cần giải pháp xử lý triệt để tình trạng này, nhất là khi mùa cao điểm đón khách quốc tế sắp đến” – ông Huy đề xuất.
Theo một lãnh đạo Sở Du lịch TP HCM, thời gian qua, việc xử lý tình trạng làm giá, buôn bán hàng rong gây mất trật tự được các cơ quan chức năng, đơn vị liên quan quan tâm phối hợp giải quyết. Ðơn cử, từ quý II/2024, Sở Du lịch TP HCM đã chủ động phối hợp với Công an thành phố, Phòng Văn hóa – Thông tin quận 1, 3; Công an quận 1, 3; lực lượng Thanh niên Xung phong thành lập một tổ công tác thực hiện chuyên đề về xử lý tình trạng “chặt chém”, buôn bán hàng rong gây mất trật tự.
Các cơ quan chuyên môn đã điều tra, rà soát, lập danh sách đối tượng hoạt động thuộc các ngành nghề dễ nảy sinh tình huống phức tạp – như chạy ô tô dù, xích lô, buôn bán dừa và hàng rong – trên địa bàn. Ðồng thời, lập hồ sơ nhắc nhở, yêu cầu họ cam kết không chèo kéo khách; chấp hành các quy định về an ninh trật tự và trật tự đô thị. Lực lượng chức năng còn thường xuyên kết hợp tuần tra để phát hiện số đối tượng tụ tập bán hàng rong tại các địa bàn trọng điểm, khu vực công cộng, điểm tham quan du lịch…
Ông Lê Trương Hiền Hòa, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP HCM, cho biết sở sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thông báo, nhắc nhở, có công văn gửi các doanh nghiệp, cơ sở lưu trú du lịch, cơ sở ăn uống, mua sắm thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, không để xảy ra tình trạng tăng giá, ép giá…
“Khuyến khích công ty du lịch, cơ sở lưu trú, đơn vị tổ chức, quản lý các điểm tham quan du lịch xây dựng đội bảo vệ chuyên nghiệp, tự quản phối hợp với lực lượng chức năng kịp thời hỗ trợ, bảo vệ du khách, nhất là người nước ngoài. Phối hợp vận động cộng đồng và du khách hợp tác tích cực với cơ quan nhà nước khi bị “chặt chém”; cung cấp chứng cứ, hình ảnh… để xử lý đúng người, đúng hành vi” – ông Hòa nhấn mạnh.
Tăng cường tuần tra tại hơn 30 điểm du lịch
Sở Du lịch TP HCM đang phối hợp, hướng dẫn lực lượng bảo vệ du khách thuộc Công ty Dịch vụ Công ích Thanh niên Xung phong tăng cường tuần tra, chốt trực tại hơn 30 tuyến điểm du lịch trọng điểm. Lực lượng này sẽ cảnh giác, phát hiện và thông báo cho công an những đối tượng có dấu hiệu nghi vấn, hành vi phạm tội; ngăn chặn kịp thời các vụ chèo kéo, đeo bám du khách; phối hợp xử lý các vụ “chặt chém” du khách.
Nguồn: Người Lao Động