Dù quy định đã khá rõ ràng nhưng không ít trường học còn mập mờ về các khoản thu tự nguyện, đặt phụ huynh vào sự đã rồi
Chị Mai, phụ huynh một trường mầm non tại TP HCM, cho biết từ ở lớp mầm, chương trình của nhà trường nơi con chị đang học đã có môn kỹ năng sống để phụ huynh tùy theo nhu cầu đăng ký. Đây là năm thứ 3 đăng ký cho con học mà thực tế gia đình vẫn không biết kỹ năng sống là môn gì, hình hài môn học, chương trình ra sao?
Rối vì nhiều khoản thu chương trình tự nguyện
Không ít phụ huynh tại TP HCM đặt câu hỏi, kỹ năng sống là gì mà phải tách bạch riêng thành một môn học có thu phí với 100.000 đồng/tháng? Phụ huynh trên cho biết thêm “Tôi từng nhờ giáo viên (GV) trong giờ con học kỹ năng sống đến chụp hình xem con đang học gì cho biết nhưng không nhận được hồi âm. Khi hỏi con, bé có nói học kỹ năng không đi theo người lạ, kỹ năng khi ra đường đi thế nào, nhận biết đèn xanh, đèn đỏ… Chẳng lẽ những điều này GV không thể dạy mà phải liên kết với đơn vị khác để dạy cho các con?” – chị Mai nói.
“Nhìn danh sách các khoản thu đầu năm học mà tôi choáng” – chị Hạnh, phụ huynh một trường THCS, cho biết. Theo phụ huynh này, tất cả những khoản thu mà nhà trường in ra gửi cho phụ huynh đều không sai, quy trình cũng đúng theo quy định đó là lấy ý kiến phụ huynh trước khi triển khai, dù không nói rõ khoản thu nào bắt buộc, khoản nào tự nguyện. Mặt khác, điều phụ huynh mong muốn là những chương trình ngoài giờ chính khóa có thu phí như vậy thì hiệu quả ra sao, triển khai thế nào.
“Trong cuộc họp phụ huynh cuối tuần rồi, chúng tôi chỉ nghe giáo viên nói về các khoản thu, các chương trình nhà trường. Thế nhưng không hề có một thuyết minh, hay giới thiệu gì về các chương trình tự nguyện, phụ huynh sẽ được gì khi đăng ký cho con…” – phụ huynh này chia sẻ.
Phản ánh với phóng viên Báo Người Lao Động, chị Hạnh cho biết theo thông báo của nhà trường, nếu phụ huynh tham gia tất cả chương trình ngoài giờ chính khóa mà trường triển khai thì khoản phí đầu năm mà mỗi phụ huynh phải đóng vào khoảng gần 3 triệu đồng, khoản này chưa tính chi phí đồng phục các loại, sách giáo khoa, sách bài tập… Mức phí trên thuộc lớp tiếng Anh tăng cường, nếu HS theo chương trình tiếng Anh tích hợp, hoặc chương trình toán – khoa học thì mức thu phí sẽ cao hơn nhiều.
Phụ huynh cần được giải trình về tính hiệu quả
Phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn một trường THCS tại quận 1, TP HCM cho biết hiện nay hầu hết các chương trình ngoài giờ chính khóa (chương trình nhà trường) có thu phí đều được triển khai lấy ý kiến phụ huynh trước khi thực hiện. Trong trường hợp phụ huynh nào không đồng ý, trong giờ học đó, HS có thể tới thư viện đọc sách, hoặc ngồi tại lớp học… hầu như không có chuyện HS phải ra về.
Dù vậy, theo lãnh đạo một phòng GD-ĐT, khi sắp xếp thời khóa biểu rạch ròi giữa môn tự nguyện và chính khóa vô cùng khó. Rất hiếm cơ sở giáo dục xếp được thời khóa biểu riêng cho các môn tự nguyện…
Tuy nhiên, khi tham khảo ý kiến phụ huynh, nhiều phụ huynh cho rằng họ cần được biết chương trình nhà trường, các môn tự nguyện đó dạy thế nào, chương trình, hiệu quả ra sao thì mới đóng góp? “Bản thân tôi, khi cho con học cái gì, thì bên cung cấp dịch vụ phải chứng minh, cam kết hiệu quả thì mình mới bỏ tiền ra cho con. Tuy nhiên, việc các trường rà soát các đơn vị liên kết sau mỗi năm triển khai, xem hiệu quả ra sao để giải trình với phụ huynh thì hầu như chưa làm được nên năm học nào phụ huynh cũng băn khoăn” – vị này cho biết.
Theo Sở GD-ĐT TP HCM, chương trình nhà trường (chương trình ngoài giờ chính khóa) được xây dựng trên nguyên tắc bảo đảm sự tham gia tự nguyện của HS, sự đồng thuận của phụ huynh và phù hợp với điều kiện tổ chức thực hiện của nhà trường…
Để xây dựng và thực hiện chương trình nhà trường, hiệu trưởng các trường cần thực hiện theo một quá trình bao gồm các bước phân tích nhu cầu, xác định mục đích và mục tiêu, thiết kế chương trình nhà trường, thông qua hội đồng trường phê duyệt, tổ chức thực hiện và đánh giá kết quả vào cuối mỗi năm học.
Theo Sở GD- ĐT TP HCM, các cơ sở giáo dục cần quan tâm đến tính hiệu quả để nhận được sự đồng thuận và phối hợp từ cha mẹ học sinh.
Phải đồng thuận trước khi cho học sinh đăng ký
Sở GD-ĐT TP HCM quy định khi xây dựng chương trình nhà trường, hiệu trưởng giao các tổ, nhóm và cá nhân phụ trách xây dựng khung nội dung giáo dục, kế hoạch bài dạy với các mục tiêu, đáp ứng các yêu cầu đề ra. Khi tổ chức lấy ý kiến đồng thuận phải đảm nhận được tính cá nhân tự nguyện tham gia của người học, không lấy ý kiến đại diện. Sau khi nhận được sự đồng thuận và đăng ký tham gia của cha mẹ HS, hiệu trưởng giao các tổ, nhóm và các cá nhân phụ trách tổ chức thực hiện…
Nguồn: Người Lao Động