Nguyễn Hoàng Thư Hương: Tìm hướng đi bền vững cho thanh long Bình Thuận

Áp dụng quy trình canh tác theo hướng VietGAP, cung cấp nông sản sạch, nâng giá trị của trái thanh long thông qua chế biến sâu…, chị Nguyễn Hoàng Thư Hương và các thành viên Hợp tác xã thanh long sạch Hòa Lệ đang nỗ lực tìm hướng đi bền vững cho cây trồng chủ lực của tỉnh Bình Thuận.

Nguyễn Hoàng Thư Hương, Phó giám đốc Hợp tác xã thanh long sạch Hòa Lệ.

Hướng đi riêng

Vượt hơn 1.500 km để có mặt tại Hà Nội vào một ngày giữa tháng 10, chị Nguyễn Hoàng Thư Hương chia sẻ, chị vô cùng tự hào khi được đại diện Hợp tác xã thanh long sạch Hòa Lệ (huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận) tham dự Diễn đàn Nông dân quốc gia lần thứ IX.

Từng học ngành sư phạm mầm non, sau đó mở tiệm bánh, nhưng cuối cùng, chị Hương lại gắn bó với cây thanh long.

Thống kê cho thấy, tỉnh Bình Thuận hiện có 35 hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và hơn 500 tổ hợp tác chuyên trồng thanh long, với tổng số hơn 10.000 hộ tham gia. Năm nay, Hợp tác xã Hòa Lệ vinh dự được đại diện “thủ phủ thanh long” Bình Thuận, trở thành một trong 63 hợp tác xã tiêu biểu toàn quốc, do Hội Nông dân Việt Nam bình chọn.

Qua 7 năm thành lập và phát triển, Hợp tác xã thanh long sạch Hòa Lệ đã vinh dự được nhận Bằng khen của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (năm 2019), Bằng khen của UBND tỉnh Bình Thuận (năm 2020), Bằng của Hội Nông dân Việt Nam (năm 2021) và nhiều giấy khen của địa phương.
“Đây là động lực để các thành viên Hợp tác xã phấn đấu hết mình, quảng bá cho quê hương Bình Thuận và nâng giá trị của trái thanh long Bình Thuận, góp chút công sức để giọt mồ hôi của người nông dân không còn mặn chát”, chị Nguyễn Hoàng Thư Hương bày tỏ.

Chia sẻ với Báo Đầu tư, chị Hương cho biết, ngay từ thời điểm thành lập (năm 2017), Ban Giám đốc Hợp tác xã đã xác định, nếu muốn phát triển hiệu quả và bền vững, thì cần phải sản xuất thanh long theo quy trình sạch, đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường.

Những ngày đầu, Hợp tác xã chỉ có 7 thành viên. Họ cùng bảo nhau áp dụng quy trình canh tác thanh long theo hướng VietGAP, cung cấp nông sản sạch, an toàn cho sức khỏe và môi trường. Các thành viên chủ động tuân thủ quy định sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học, không sử dụng thuốc ngoài danh mục cho phép hoặc thuốc bị cấm, đảm bảo thời gian cách ly trước khi thu hoạch, ghi sổ sách nhật ký sản xuất rõ ràng, trung thực. Bên cạnh đó, bao bì thuốc

bảo vệ thực vật, bóng đèn huỳnh quang sau sử dụng cũng được thu gom, xử lý theo đúng quy định.

“Việc tuân thủ các yêu cầu cụ thể về bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất tạo điều kiện cho Hợp tác xã nhanh chóng được cấp giấy chứng nhận GlobalGAP, VietGAP. Đây là giấy thông hành giúp thanh long Hòa Lệ thâm nhập thị trường, trong đó có những thị trường khó tính như EU, Nhật Bản, Australia và Hàn Quốc”, chị Hương chia sẻ.

Năm 2023, Hợp tác xã phát triển thêm vùng nguyên liệu thanh long xanh, giảm năng lượng tiêu thụ bằng phương pháp tưới nhỏ giọt, dùng bóng đèn led 9W và sử dụng thêm điện năng lượng mặt trời, giảm khí phát thải nhà kính…

Từ 7 thành viên ban đầu, Hợp tác xã nhanh chóng mở rộng hoạt động với 18 thành viên chính thức và 42 thành viên liên kết. Năm 2023, hợp tác xã bao tiêu khoảng 6.000 tấn thanh long cho các thành viên, 90% trong số đó được xuất khẩu. Qua hơn 9 tháng năm 2024, doanh thu của Hợp tác xã đạt trên 51 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2023.

Đa dạng hóa sản phẩm để nâng cao giá trị

Giai đoạn Covid-19, hoạt động xuất khẩu bị ảnh hưởng, một lượng lớn thanh long tươi chờ đầu ra, chị Hương lập tức bàn với Ban Giám đốc Hợp tác xã để tìm cách tiêu thụ. Họ quyết định đi sâu vào chế biến.

Từ sản phẩm đầu tiên là kem thanh long và rượu đế thanh long, đến nay, Hợp tác xã có khoảng 20 sản phẩm chế biến, như thanh long sấy dẻo, nước cốt thanh long, mứt thanh long, hoa thanh long sấy… Trong đó, có 11 sản phẩm đạt OCOP 3 sao, 5 sản phẩm được bình chọn “Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu”; riêng trái thanh long tươi ruột trắng đạt OCOP 4 sao.

Dù vậy, chị Hương thừa nhận, khó nhất vẫn là quá trình bán hàng. Với những người nông dân không chuyên, làm sao để đưa sản phẩm đến tay khách hàng là bài toán vô cùng hóc búa. Để giải bài toán này, Ban Giám đốc Hợp tác xã Hòa Lệ thường xuyên tham gia các sự kiện, hội nghị, hội chợ khắp cả nước để quảng bá sản phẩm chế biến từ thanh long. Họ cũng chủ động khai thác các kênh quảng bá trực tuyến, livestream trên fanpage, các trang web bán hàng trực tuyến để chào hàng, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm.

Vượt qua khó khăn ban đầu, sản phẩm chế biến từ thanh long dần được thị trường chấp nhận. Bên cạnh 90% sản phẩm thanh long sạch xuất tươi, số còn lại, Hợp tác xã Hòa Lệ bán trong nước, gắn với sản phẩm chế biến sâu. Mô hình chế biến thanh long đã tạo việc làm cho hơn 100 lao động người địa phương, trong đó 70% là lao động nữ, thu nhập hàng tháng đạt 7 – 10 triệu đồng/người.

Với những vườn thanh long sạch vào mùa trái chín đỏ rộ đẹp mắt, thời gian qua, Hợp tác xã thanh long sạch Hòa Lệ còn mở rộng thêm hoạt động trong mảng du lịch canh nông. Các đoàn khách trong và ngoài nước khi ghé thăm Hợp tác xã Hòa Lệ sẽ được tận mắt chiêm ngưỡng vùng trồng thanh long sạch, thăm hầm rượu vang tại thôn Dân Trí (xã Thuận Hòa, huyện Hàm Thuận Bắc). Sau đó, khách du lịch được trải nghiệm các món ăn từ thanh long, giao lưu văn hóa vùng miền và có thể mua các sản phẩm chế biến từ thanh long làm quà cho người thân, bạn bè…

“Đây là lĩnh vực mới, Hợp tác xã kiến nghị cơ quan chức năng hỗ trợ cấp phép cho đơn vị phát triển du lịch canh nông, du lịch sinh thái nhằm khai thác thế mạnh, tiềm năng sẵn có”, Phó giám đốc Hợp tác xã thanh long sạch Hòa Lệ đề xuất.

Nguồn:Báo Đầu tư

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *